Mới đó mà thời gian trôi qua thật nhanh, ba má tôi năm nay đã đến tuổi lục tuần.
Ngẩn mặt nhìn lại, người nay tóc đã điểm sương, thịt da gầy theo năm tháng. Nhưng lạ thay, hình ảnh ba má trẻ mãi không già ở trong tôi vẫn không phai mờ; ba vẫn là ba kính thương, má vẫn là má kính mến.
Nhớ hồi tôi còn nhỏ và nhiều khi lắm lúc mãi đến tận bây giờ, ba tôi (nguyên quán ở Tiên Sơn, Hà Bắc) thường ca và tập cho tôi ca bài ca quảng cáo kẹo bổ si-tô-nít, lớ theo giọng Bắc:
“Đàn em đàn em thương ba nầy,
Đàn em đàn em thương má nầy,
Thương chị, thương anh, thương hết cả nhà.
Nhất nhất là ba (má) cơ!
Ba (má) cho con cục kẹo si-tô-nít.
[Kẹo bổ si-tô-nít]”
Theo thường lệ, ba và tôi thường song ca bài ấy trong lúc má đang làm bếp, chủ yếu là để “ghẹo” cho má “la”. Mỗi khi hát đến câu “Nhất nhất là ba (má) cơ!” thì ý của ba muốn tôi ca theo chữ “ba”; còn tôi thì sợ má buồn/giận, rồi “la”, đành ca theo chữ “má”. Nhưng rồi cũng thấy ba thật là tội nghiệp, nên liền ca câu ấy lại theo chữ “ba”. Vậy thì ba má ai cũng đều thương hết, ai cũng nhất hết; không phải bỏ một ai!
* * *
Hơn 30 năm qua, ba má đã cưu mang, nuôi dưỡng và ngày nay vẫn tiếp tục dạy bảo và dẫn dắt tôi đi trên con đường đời.
Ngoài kiến thức trao dồi ở học đường, sự học hỏi thêm về kinh nghiệm sống cũng không kém phần quan trọng. Làm người phải làm cho thiệt tốt.
Ngẫm nghĩ, làm người làm thế nào mới cho thiệt tốt?
Thật ra thì tôi cũng không được rõ cho lắm! Chỉ biết làm việc cần lực, không ỷ lại; hạnh phúc với những gì mình có, không đua đòi. Sống sao cho không hổ thẹn với lương tâm, không luồng cúi và sợ sệt trước giàu sang, phú quý và quyền lực. Và đặc biệt là không bao giờ quên lấy chính mình hoặc/và đánh mất thân tâm.
Đó là những gì mà ba má đã chỉ dạy và trao truyền. Nay tôi trân quý, giữ gìn và noi theo.
Cái hạnh phúc lớn nhất trong đời tôi là nhận được sự hướng dẫn và ủng hộ của ba má về đời sống tâm linh; trước có ông bà tổ tiên, sau là ơn trên.
Mặc dù còn ngần ngại như bao nhiêu cha mẹ khác trong việc cho phép con cái của mình sống trọn đời tu, ba má đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho tôi tìm tòi học hỏi giáo pháp, nhận định và nhìn rõ hướng đi trong đời sống tâm linh để làm điểm tựa quay về.
* * *
Ba má tôi sống đời bình dị, không ồn ào náo nhiệt.
Ba không hút thuốc, rượu chè, và cờ bạc. Má không chưng diện, đòi hỏi, và xe xua.
Mỗi khi xuân sang, hè tới vui với cỏ cây hoa lá vườn tượng. Thu về quét lá vàng rơi. Đông đến cùng chung nhau đẩy tuyết garage sân nhà.
Ngày ngày ba má vẫn vui vẻ và hạnh phúc đi sửa giầy và làm việc giặt ủi cho người mà không than không phiền. Tôi thành thật biết ơn hai đôi bàn tay ấy và hãnh diện về hai cái nghề ấy vì chính đó đã nuôi tôi khôn lớn nên người.
* * *
Kể từ khi tôi còn nhỏ đến bây giờ, mỗi khi đến ngày mừng tuổi của ba hoặc/và của má, buổi cơm chiều hôm đó vẫn canh rau thanh đạm như mọi khi. Không hoa, không bánh, nhưng vẫn ấm áp niềm vui vì món quà đã trao là sự hiện diện của nhau và cho nhau trong tình thương mái ấm gia đình.
Năm nay, nhân dịp mừng ba má bước qua tuổi sáu mươi (thọ lục tuần), không biết nói gì hơn ngoài việc xin mượn hai câu đối sau để nói lên lòng biết ơn sâu sắc thay lời chúc tuổi và thành tâm cảm tạ ơn trên độ trì cho ba má sức khoẻ sống đời đến ngày nay để tôi có cơ hội báo hiếu phụ mẫu trọng ân.
Cúc dục ân thâm Đông hải đại;
Sinh thành nghĩa trọng Thái sơn cao.
Ơn dưỡng dục, sâu tựa biển Đông;
Nghĩa sinh thành, cao hơn non Thái.
Writer’s Notes:
Lần đầu tiên về Lộc Uyển, trong giờ pháp đàm, Thầy Pháp Dung có hướng dẫn qua cho các anh chị em trong gia đình Hải Triều Âm về việc chuẩn bị bài viết phát biểu cảm tưởng nói về công ơn cha mẹ để chia xẻ cùng toàn thể đại chúng nhân dịp lể Bông Hồng Cài Áo được tổ chức vào buổi tối ngày hôm sau. Thầy đặc biệt gợi ý hỏi xin một bài cảm tưởng nói về mẹ và một bài nói về cha vì thường khi calling for các bài viết cảm tưởng, đa số các anh chị em thường chọn tâm sự về mẹ mình nhiều hơn là kể về cha.
Mỹ nhận thấy lời Thầy gợi ý thật đơn giản, nhưng thật hay vì đúng là hình ảnh của người cha, cột trụ của gia đình, thường ít khi được nhắc đến. Không phải không thương cha, nhưng thấy mẹ thương mẹ lo trong lo ngoài cho mọi việc chu toàn mà chưa có dịp dừng lại để nhận ra rằng cha mình cũng cùng ở đó, sát cánh đồng hành bên mẹ, lo trước lo sau để chăm sóc bảo vệ mái ấm gia đình.
Bài “Phụ Mẫu Ân” được viết với lời chỉ dạy của Thầy trong tâm khi hồi tưởng lại buổi pháp đàm hôm nào. Mặc dù bài viết này được posted lên blog nhân dịp lể Mẹ (Mother’s Day), tình thương yêu cha cũng được biểu đạt, nhắc đến vẹn tròn. Và đây là tấm lòng của con thương gởi đến cha mẹ, ba má.
No comments:
Post a Comment